Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Theo tiến trình PVLC được Giáo Hội soạn dọn cho giai đoạn Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh,
đặc biệt là PVLC theo Phúc Âm Thánh Mathêu chu kỳ Năm A ở các Chúa Nhật mở đầu từng tuần lễ,
thì cho tới tuần XVII này chủ đề then chốt và chính yếu đó là chủ đề về "Nước Trời",
một "Nước Trời đã gần đến" được Chúa Kitô sai các tông đồ đến với chiên lạc nhà Israel để loan báo (CN XI),
một "Nước Trời" được chính Người sử dụng các dụ ngôn để diễn tả cho cả dân chúng lẫn môn đệ biết (CN XV, XVI, XVII). "Nước Trời" ấy chính là
Ơn Cứu Độ nơi Chúa Giêsu Kitô Vượt Qua cho con người tạo vật tội lỗi được Sự Sống Đời Đời.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể đã được Thiên Chúa là người gieo giống ban cho tất cả mọi loại con người ta - vệ đường, sỏi đá, bụi gai và đất tốt (dụ ngôn CN XV);
Ơn cứu độ là Sự Sống Thần Linh ở nơi con cái Nước Trời là lúa tốt cần phải được phát triển bởi cỏ lùng gian nan thử thách, vì nó mạnh hơn tất cả mọi thứ cỏ lùng gian ác (dụ ngôn CN XVI);
Ơn Cứu Độ như kho tàng được ban cho thế gian nhưng chỉ ai có đức tin mới tìm thấy, một "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), một đức ái có khả năng tìm mua các viên ngọc quí là phần rỗi các linh hồn (dụ ngôn CN XVII).
Theo chiều hướng của PVLC về "Nước Trời" như thế, cùng với các Thánh được Giáo Hội tưởng kính trong tuần, thành phần đã tìm kiếm Nước Trời trên hết và trước hết, cho mình cũng như cho tha nhân,
chúng ta hiệp thông theo dõi toàn bộ PVLC của Tuần XVII Thường Niên ở những cái links dưới đây:
----------------------
----------------------------------------
Tiếp theo hai Chúa Nhật trước về dụ ngôn Nước Trời, Chúa Nhật XVII Năm A tuần này Giáo Hội chọn đọc dụ ngôn khác về Nước Trời. Nếu hai dụ ngôn chính về Nước Trời của hai Chúa Nhật trước liên quan đến "người gieo giống ra đi gieo giống" (Chúa Nhật XV) và "người kia gieo giống tốt trong ruộng của mình" (Chúa Nhật XVI), thì dụ ngôn về Nước Trời của Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm A tuần này, bao gồm 2 dụ ngôn liền, (còn dụ ngôn sau đó về "lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá" không buộc đọc), và hai dụ ngôn ngắn gọn về Nước Trời của Chúa Nhật tuần này bất khả phân ly: dụ ngôn đầu liên quan đến một "kho tàng chôn giấu trong ruộng" và dụ ngôn sau liên quan đến một "người buôn nọ đi tìm ngọc quý".
Hai dụ ngôn về Nước Trời này thật sự có một liên hệ mật thiết bất khả phân ly với nhau như nội tâm với hoạt động vậy. Dụ ngôn "kho tàng chôn giấu trong ruộng" có tính cách nội tâm và dụ ngôn "người buôn nọ đi tìm ngọc quý" có chiều kích hoạt động. Nội tâm bao giờ cũng phải có trước, như nguồn mạch cho mọi hoạt động bề ngoài của con người Kitô hữu, và hoạt động phải theo nội tâm, phản ảnh nội tâm của họ. Thế nhưng, thực ra "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây là gì và "người buôn nọ đi tìm ngọc quí" đây là ai? Chúa Giêsu không hề giải thích hai dụ ngôn này như Người đã giải thích về hai dụ ngôn "người gieo giống" trước đó. Tuy nhiên, căn cứ vào chung Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể thấy được ngay ý nghĩa của chúng.
Trước hết, "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây, theo Sách Các Vua Quyển Thứ 1 ở Bài Đọc 1 hôm nay, đó là một "tâm hồn khôn ngoan" mà Vua Salomon xin cùng Chúa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?"
Thật vậy, nếu "kho tàng chôn giấu trong ruộng" là "tâm hồn khôn ngoan" mà Vua Salomon là "người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy" là "dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được", ở chỗ, vua đã "không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù", nhờ đó vua đã chiếm được thửa ruộng ấy: "Đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi".
Sau nữa, "người buôn nọ đi tìm ngọc quý" đây, theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 2 hôm nay, đó là "những kẻ yêu mến Thiên Chúa", và "viên ngọc quí" đây là gì nếu không phải, cũng căn cứ vào lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc 2 hôm nay, đó là "hình ảnh Con Người", một "viên ngọc quí" trên hết mọi sự, đến độ họ phải đánh đổi tất cả những gì họ có, như lời Chúa Giêsu trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm cho biết, "anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy".
Đúng thế, để "nên giống hình ảnh Con Người", nghĩa là để "mặc lấy con người mới" (Epheso 4:24) cũng chính là "mặc lấy Chúa Giêsu Kitô" (Roma 13:14), Kitô hữu nói chung và thành phần được Thánh Phaolô đề cập đến trong Bài Đọc 2 là "những kẻ Chúa đã biết trước", cần phải "cởi bỏ con người cũ" (Epheso 4:22) thật bất xứng và đầy tương phản của mình, hay nói đúng hơn, là để cho "con người mới" là "Chúa Giêsu Kitô" sống trong họ, làm chủ họ, "để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc", theo đúng ý định tối hậu của Thiên Chúa, Đấng mà, như Thánh Phaolô xác tín và tuyên xưng trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang".
Áp dụng hai dụ ngôn này vào cơ cấu siêu nhiên và tu đức Kitô giáo thì "kho tàng chôn giấu trong ruộng" đây còn được hiểu là Thánh Sủng, là "quyền được làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), một Thánh Sủng hay quyền làm con Thiên Chúa được chôn giấu trong thửa ruộng Giáo Hội là những gì cần phải phải được trao đổi bằng niềm tin tưởng (vượt trên mọi khuynh hướng và đòi hỏi của bản tính tự nhiên) chấp nhận vào Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai. "Viên ngọc quí" đây là đức ái trọn hảo đối với tha nhân, một đức ái trọn hảo chỉ có thể trở thành hiện thực bằng đời sống hy sinh bỏ mình và chịu đựng cùng tha thứ cho tha nhân.
Trong cả hai dụ ngôn đều qui tụ lại một chỗ là việc trao đổi hay đánh đổi, chứ không phải tự nhiên mà có được, bởi vì đó là kho tàng và ngọc quí chứ không phải thứ đồ bỏ, đồ bị sa thải, đồ bị hư hại cần mang for sale rẻ tiền. Chính vì thế kinh nghiệm sống đạo mới cho thấy việc "cởi bỏ con người cũ" để "mặc lấy con người mới" là "Chúa Giêsu Kitô" là một tiến trình khó khăn chứ không dễ dàng. Khó khăn ở chỗ làm sao tự mình có thể biến đổi những gì là tầm thường hèn yếu thành cao quí thu hút, những gì là nhạt nhẽo như nước lã trở thành say đắm như rượu ngon (xem Gioan 2:7-10)?
Nếu thành phần phục vụ tiệc cưới ở Cana là yếu tố then chốt trong sự lạ nước lã hóa thành rượu ngon ở chỗ họ ngoan ngoãn và mau mắn đáp ứng "những gì Người bảo" (Gioan 2:5,7) thế nào, thì những ai muốn được biến đổi cũng cần phải có một "tâm hồn khôn ngoan" như vậy, ở chỗ hoàn toàn tin tưởng phó thác vào tác động thần linh vô cùng mãnh lực và hiệu nghiệm của duy một mình Thiên Chúa, qua việc tuân thủ tất cả "những gì Người bảo" theo tinh thần của Thánh Vịnh 18 ở Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ.
4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.